KHÁI NIỆM CÔNG TRÌNH XANH
Công trình Xanh hiện nay đã trở thành cuộc cách mạng của ngành xây dựng, phù hợp với mục tiêu Phát triển bền vững chung của toàn cầu. Hội đồng Công trình xanh thế giới (WGBC) định nghĩa: Công trình “Xanh” là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều tiêu chuẩn đánh giá về Công trình Xanh với các tiêu chí đánh giá khác nhau, nhưng đều dựa trên 5 yếu tố cơ bản là: năng lượng, địa điểm bền vững, vật liệu & rác thải, nước và chất lượng không khí trong nhà.
LỢI ÍCH CỦA CÔNG TRÌNH XANH
VỀ MÔI TRƯỜNG
Các giải pháp Công trình Xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng tự nhiên và các tiện ích giao thông công cộng sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm khí thải độc hại, qua đó góp phần bảo vệ môi trường. Cụ thể:
- Tiết kiệm tài nguyên, năng lượng: các giải pháp công trình xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng, thông gió tự nhiêu làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Khuyến khích sự dụng phương tiện công cộng giảm tiêu tốn nhiêu liệu. Tuần hoàn tái sử dụng nước xám, nước mưa cho việc xả nhà vệ sinh, tưới tiêu, v.v. Tuần hoàn, tái sử dụng nguyên vật liệu trong suốt quá trình xây dựng, vận hành.
- Quản lý nước mưa để chống xói mòn: kiểm soát, tận dụng nước mưa bằng hệ thống thu nước mưa, chuyển hướng dòng chảy, chống chảy tràn, sử dụng vật liệu thấm nước cho cảnh quan để chống nước mưa chảy tràn gây xói mòn, rửa trôi, lan truyền ô nhiễm.
- Bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái: các nỗ lực khắc phục loại bỏ các vật liệu nguy hại khỏi đất và nước ngầm trong khu vực, giảm sự tiếp xúc của con người đến động vật hoang dã với các nguy cơ sức khoẻ do ô nhiễm môi trường. Khuyến khích tái phát triển trên các khu đất đã phát triển, bảo tồn các khu vực chưa phát triển cho các thế hệ tương lai và giảm tác động môi của sự phát triển, tránh việc xây dựng các tiện ích mới và đường xá không cần thiết, tránh được những tác động môi trường.
- Giảm khí thải: sử dụng các phương tiện ít phát thải (xe đạp, xe điện, v.v), các tiện ích giao thông công cộng, sử dụng nguyên vật liệu địa phương, vật liệu có hàm lượng VOCs (chất hữu cơ bay hơi) thấp, v.v, giúp giảm khí thải độc hại. Sử dụng năng lượng hiệu quả giúp giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là trong giai đoạn vận hành.
- Điều hòa nhiệt độ: đặc tính giữ nhiệt của các tòa nhà cao tầng và vật liệu xây dựng như bê tông hay nhựa đường là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Dự án có thể giải quyết vấn đề nhờ tối ưu thiết kế, giảm bức xạ nhiệt, lựa chọn khu đất, trồng nhiều cây xanh trong khu vực xây dựng.
- Giảm rác thải: quản lý, phân loại, tái sử dụng nguyên vật liệu, tối thiểu lượng rác thải mang đi chôn lấp.
Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu luôn là chủ đề được đông đảo cộng đồng quan tâm và việc tìm kiếm một không gian sống & làm việc an toàn, tiện nghi & thoải mái là nhu cầu bức thiết của mỗi người. Mặt khác, sự sôi động của thị trường bất động sản và xu hướng ngày càng quan tâm nhiều đến sức khỏe và lối sống lành mạnh là động cơ thúc đẩy các chủ đầu tư tìm kiếm một hướng đi mới là xây dựng công trình theo tiêu chuẩn xanh.
|
|
CÁC CHỨNG CHỈ CÔNG TRÌNH XANH TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam, có 6 công cụ đánh giá Công trình Xanh được áp dụng:
- LEED: công cụ đánh giá của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC). Đây là một hệ thống đánh giá toàn diện, phù hợp cho các dự án hướng tới nhận diện thương hiệu quốc tế nên các tiêu chuẩn đánh giá chủ yếu thích hợp cho các nước phát triển. Hiện nay, LEED là tiêu chuẩn quốc tế tiên phong và phổ biến nhất thế giới khi đã thực hiện đánh giá hơn hơn 50,000 công trình ở tất cả 50 tiểu bang của Mỹ và 135 quốc gia.
- LOTUS: công cụ đánh giá của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC). Là công cụ được phát triển trên nền tảng hệ thống đánh giá công trình xanh của các nước tiên tiến và được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn ngành xây dựng và điều kiện khí hậu ở Việt Nam.
- GREENMARK: có mặt tại Việt Nam năm 2010, là công cụ đánh giá của Cơ quan xây dựng Singapore (BCA). Cũng giống như LEED, các tiêu chí của công cụ đánh giá này chủ yếu phù hợp ở các nước phát triển.
- EDGE: ra mắt tại thị trường Việt Nam vào năm 2015, là công cụ đánh giá của Tổ chức Tài chính thế giới (IFC). Tập trung vào 3 tiêu chí: năng lượng, nước và vật liệu.
|
LỢI ÍCH CỦA CÔNG TRÌNH XANH
VỀ XÃ HỘI
Bên cạnh những lợi ích về mặt môi trường và kinh tế mang lại cho chủ đầu tư và người sử dụng, công trình xanh còn mang lại những lợi ích to lớn cho cả cộng đồng như:
- Cải thiện sức khỏe cộng đồng: ở các thành phố lớn, việc sống và làm việc trong môi trường đóng kín cửa, sử dụng điều hòa không khí và ánh sáng nhân tạo rất phổ biến, điều này là nguyên nhân chủ yếu gây ra các chứng bệnh như đau đầu, chóng mắt, hay mệt mỏi và thẩm chí là trầm cảm. Công trình xanh sẽ giải quyết được vấn đề nan giải này bằng các giải pháp như tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng nội thất không độc hại, sử dụng hệ thống thông gió để cấp gió tươi giúp giảm nồng độ CO2 trong không khí.
- Tạo lối sống và giải trí lành mạnh: một trong các tiêu chí được khuyến khích của công trình xanh là ưu tiên sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp hay các phương tiện giao thông công cộng có nồng độ khí thải thấp, không những có thể bảo vệ môi trường mà còn cải thiện sức khỏe cộng đồng
|
|
LỢI ÍCH CỦA CÔNG TRÌNH XANH
VỀ KINH TẾ
Tiết kiệm chi phí trong quá trình vận hành có thể xem là lợi ích kinh tế chủ yếu mà một công trình xanh mang lại bên cạnh các lợi ích như làm giá trị công trình và tăng năng suất làm việc, học tập. Cụ thể:
- Giảm chi phí vận hành và bảo trì: nhờ vào thiết kế và công nghệ xanh, chi phí vận hành của công trình sẽ giảm đáng kể, qua đó bù lại nhanh chóng cho các chi phí phụ trội trong quá trình xây dựng của dự án cũng như tiết kiệm về lâu dài. Theo ước tính, ở Việt Nam một công trình nếu xây dựng theo xu hướng “xanh” thì chi phí xây dựng sẽ đội lên từ 5 đến 15% so với công trình thông thường. Tuy nhiên trong quá trình vận hành, một công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 20 đến 30% năng lượng tiêu thụ. Do đó, chỉ sau 4 đến 5 năm vận hành, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư ban đầu (Phạm Ngọc Đăng, 2014). Chi phí vận hành được giảm nhờ vào việc tối ưu hóa năng lượng sử dụng và tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng, gió, v.v. Qua đó sẽ cắt giảm được nguồn điện tiêu thụ và chi phí xây dựng các hệ thống xử lý ô nhiễm cũng được cắt giảm tối đa.
- Nâng cao năng suất làm việc và học tập: các biện pháp thiết kế của một công trình xanh luôn chú trọng sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên đã giúp người sử dụng luôn có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Theo nghiên cứu của Dailey (2013), chất lượng không khí trong nhà tốt có thể cải thiện đến 18% năng suất lao động, tăng khả năng nhó và kích thích khả năng sáng tạo của não bộ.
- Tăng giá trị cho công trình: nhờ sự đầu tư nghiêm túc từ khâu lên ý tưởng và thiết kế ban đầu, công trình xanh sau khi xây dựng đều có tính thẩm mỹ khá cao. Hơn nữa, việc quan tâm đến vị trí xây dựng, hệ sinh thái có thể khuyến khích sự ủng hộ của công chúng đối với công trình. Thương hiệu công trình xanh giúp tạo sự khác biệt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu đang là chủ đề được quan tâm.
(Nguồn: GREEN VIET)
|